1. Đau xương cụt là bệnh gì?
Xương cụt được cấu tạo thành từ ba đến năm đốt sống hợp nhất thành một xương duy nhất. Nó nằm bên dưới xương cùng, ở đáy cột sống. Tại đây là vị trí bám của một số gân, cơ và dây chằng. Cả xương cụt và xương cùng cùng khung xương chậu đều cùng nhau chịu sức nặng toàn cơ thể khi ngồi xuống. Hai phần ba số người trưởng thành có xương cụt hơi cong thay vì hướng thẳng xuống; tuy nhiên, một phần cong quá mức sẽ là vấn đề bất thường và do đó có thể gây đau đớn.
Lúc này, đau xương cụt được định nghĩa là cơn đau ở trong và xung quanh vùng xương cụt, ở vị trí dưới cùng của cột sống và phía trên khe hở của mông. Cơn đau thường được mô tả là đau âm ỉ hay đau nhói và có cảm giác như co thắt cơ. Hoàn cảnh khởi phát cơn đau xương cụt có thể xảy ra khi hoạt động thể chất hoặc khi ngồi trong thời gian dài, lan xuống chân hoặc lên lưng.
Ngoài ra, tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau xương cụt, đôi khi người bệnh có kèm các triệu chứng như sau:
- Buồn nôn và nôn ói
- Mất cảm giác
- Yếu cơ
- Cảm giác khó chịu về đường tiêu hóa, nhưng đau quặn bụng, đau ở trực tràng…
2. Các nguyên nhân của đau xương cụt là gì?
Có rất nhiều vấn đề về sức khỏe có thể gây ra đau xương cụt. Mặc dù cơn đau đôi khi thường tự biến mất, nhờ vào các thuốc giảm đau thông thường tại nhà, với các cơn đau có mức độ nghiêm trọng, việc xác định rõ nguyên nhân là điều cần thiết.
Các nguyên nhân gây đau xương cụt phổ biến nhất bao gồm:
- Chấn thương: Có thể là một đòn đánh, chấn thương vào vùng xương cụt hoặc các cơ xung quanh. Ví dụ, ngã từ xe đạp có thể làm chấn thương xương cụt.
- Tư thế ngồi: Nếu ngồi xiêu vẹo hay ngồi quá lâu trong thời gian dài sẽ gây ra đau vùng xương cụt.
- Chấn thương xương cụt trong quá trình sinh con: Xương cụt có thể bị thương hoặc thậm chí bị gãy trong khi chuyển dạ sinh thường.
- Thoái hóa: Tiến trình lão hóa tại xương cụt cũng tương tự như các vị trí khác trên cơ thể. Hệ quả là xơ hóa sụn, hình thành gai xương, ảnh hưởng đến dây thần kinh hoặc khớp.
- Chèn ép xương cụt: Điều này có thể xảy ra với các dây thần kinh khi bị áp lực trong thai kỳ.
- Rối loạn chức năng sàn chậu: Thường do sinh nở đường tự nhiên
- Hội chứng Levator: Đây là một tình trạng gây co thắt các cơ ở hậu môn. Cơn đau có thể lan đến xương cụt, hông hoặc các vùng lân cận khác.
- Tăng áp lực ổ bụng: Điều này có thể là do táo bón hoặc bệnh trĩ.
- Các vấn đề với cột sống: Ví dụ như sau phẫu thuật cột sống hoặc bệnh thoái hóa đĩa đệm thắt lưng.
- Các nguyên nhân khác: Nhiễm trùng, khối u, gai xương và tăng sinh xương… có thể là nguyên nhân gây đau xương cụt nhưng hiếm gặp.
3. Làm thế nào để chẩn đoán bệnh đau xương cụt?
Đầu tiên, khi người bệnh đi khám do cơn đau tại xương cụt, bác sĩ sẽ cần hỏi về bất kỳ chấn thương nào gần đây, bao gồm cả té ngã hoặc sinh con. Tiếp theo, bác sĩ sẽ thăm khám, kiểm tra tại chỗ và khu vực xung quanh để tìm kiếm dấu hiệu gợi ý người bệnh bị gãy xương, biến dạng, khối u hoặc áp xe do nhiễm trùng.
Song song đó, những xét nghiệm dùng để chẩn đoán đau xương cụt sau đây có thể được chỉ định để xác chẩn theo từng vấn đề đang nghi ngờ:
- Để kiểm tra gãy xương: chụp X – quang cột sống, chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ vùng cùng – cụt
- Để kiểm tra tình trạng viêm và u màng đệm (một loại ung thư hiếm gặp của cột sống): Chụp cộng hưởng từ, xạ hình xương.
4. Điều trị bệnh đau xương cụt như thế nào?
Hầu hết mọi người bị đau xương cụt có thể phục hồi một cách tự nhiên mà không cần trải qua bất kỳ cách thức điều trị nào. Khi cần phải điều trị, có đến 90% các bệnh nhân sẽ tự thuyên giảm nếu chỉ cần sử dụng các biện pháp điều trị tại nhà.
Các biện pháp khắc phục chứng đau xương cụt tại nhà bao gồm:
- Dùng thuốc giảm đau thông thường là paracetamol
- Dùng thuốc giảm đau thuộc nhóm NSAID như ibuprofen để giảm đau và giảm sưng, phù nề
- Giảm thời gian cần phải ngồi lâu một chỗ. Tập tư thế rướn người về phía trước nếu phải ngồi lâu để giảm sức đè nén lên xương cụt
- Tắm nước nóng về cuối ngày để thư giãn cơ bắp toàn thân và giảm đau tại chỗ
- Sử dụng đệm gel hình nêm hoặc đệm xương cụt (gối tròn có lỗ) khi ngồi
- Uống thuốc nhuận tràng để giảm đau khi đi tiêu.
- Kéo dãn và tăng cường sự dẻo dai, linh hoạt cho các nhóm cơ ở vùng lưng dưới và xương chậu
- Chườm nóng hoặc chườm lạnh cho vùng lưng dưới, áp dụng trong thời gian không quá 20 đến 30 phút mỗi lần và lặp lại vài lần trong ngày.
- Mặc quần áo rộng rãi.
Nếu các biện pháp nêu trên không giúp cơn đau xương cụt thuyên giảm, người bệnh có thể khám và điều trị ngoại trú cho chứng đau xương cụt với các thủ thuật, can thiệp tại chỗ như sau:
- Phong bế dây thần kinh tại chỗ quanh vùng xương cụt bằng cách sử dụng thuốc tê và steroid để giảm sưng viêm
- Liệu pháp xoa bóp, thư giãn cơ
- Các bài tập kéo giãn, nắn chỉnh và cải thiện tư thế do chuyên gia vật lý trị liệu hướng dẫn
- Châm cứu
- Kích thích điện thần kinh qua da (TENS)
- Trong trường hợp cơn đau xương cụt là kháng trị, dù khả năng gặp phải là rất hiếm, các lựa chọn phẫu thuật sau đây cần được xem xét và thời gian hồi phục sau phẫu thuật cắt xương cụt có thể mất vài tháng cho đến một năm.
- Cắt một phần xương cụt
- Cắt toàn bộ xương cụt
5. Đau xương cụt có nguy hiểm không?
Mặc dù cơn đau xương cụt không gây nguy hiểm gì đến tính mạng, một cơn đau mãn tính âm ỉ, có khi đau nhói như dao đâm sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động thường ngày. Thậm chí, cơn đau có thể khởi phát mới hay trở nên nặng nề hơn khi người bệnh ngồi xuống, đứng lên và cả khi đi đại tiện hay quan hệ tình dục.
Chính vì vậy, tuy cơn đau có thể tự thuyên giảm và biến mất hay chỉ cần tới các liều thuốc giảm đau đơn giản tại nhà, việc chủ động điều chỉnh tư thế ngồi đúng cách cũng như các biện pháp phòng ngừa nói chung luôn là cần thiết. Đừng ngồi quá lâu trong thời gian dài mà không đứng dậy, đi lại một quãng ngắn hoặc tập một vài động tác vươn vai đơn giản. Nếu phải ngồi làm việc, nên chọn đệm lót ngồi hình tròn có lỗ. Nếu thích chơi thể thao là môn đạp xe, nên điều chỉnh yên xe hơn rướn về phía trước. Ngoài ra, có thể giảm nguy cơ mắc phải bệnh đau xương cụt bằng cách tránh chấn thương, té ngã và thận trọng khi đi lại, nhất là ở người lớn tuổi.
Tóm lại, đau xương cụt là một cảm giác khó chịu nhưng may mắn là hầu hết đều tạm thời và tự thuyên giảm hay chỉ cần dùng các thuốc giảm đau thông thường tại nhà. Tuy nhiên, điều cần thiết vẫn là chủ động điều chỉnh tư thế ngồi đúng cách, tránh chấn thương và té ngã. Dù đau xương cụt không gây nguy hiểm nhưng nếu không phòng ngừa thì vẫn có thể gây ảnh hưởng về sau.
Nếu bạn đang trải qua cơn đau xương cụt, hãy tìm kiếm sự tư vấn từ bác sĩ để được kiểm tra và điều trị phù hợp. Đừng để cơn đau này làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn!
Nguồn: https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/co-xuong-khop/dau-xuong-cut-la-benh-gi-co-nguy-hiem-khong/